Phẫu thuật là bước ngoặt quan trọng trong điều trị nhiều bệnh lý, tuy nhiên cơn đau sau mổ vẫn là nỗi ám ảnh với hầu hết người bệnh. Đau không chỉ gây cảm giác khó chịu mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, làm chậm quá trình phục hồi và ảnh hưởng đến chất lượng sống sau mổ.
*CVCM: ThS.BS. Vũ Văn Hiệp – Khoa Gây mê hồi sức
Theo Hiệp hội Giảm đau sau phẫu thuật Hoa Kỳ (American Pain Society), hơn 80% người bệnh sau phẫu thuật báo cáo bị đau ở mức trung bình đến nặng, và gần 40% trong số đó không được kiểm soát đau hiệu quả trong 72 giờ đầu sau mổ (Apfelbaum et al., 2003).
Tại sao cần kiểm soát đau sau phẫu thuật?
Nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng, đau không kiểm soát tốt sau mổ có thể dẫn đến:
- Tăng tiết hormone stress như cortisol, catecholamine - gây rối loạn chuyển hóa và tăng nguy cơ biến chứng tim mạch (Desborough, 2000);
- Giảm thông khí phổi do đau ngực, khiến nguy cơ viêm phổi và xẹp phổi tăng cao (Kehlet & Dahl, 2003);
- Tăng tỷ lệ lo âu, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm sau mổ;
- Gia tăng tỷ lệ chuyển thành đau mạn tính sau phẫu thuật (chronic post-surgical pain - CPSP)
Thời điểm vàng để giảm đau sau phẫu thuật: Càng sớm càng tốt
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hội Gây mê Hồi sức Châu Âu (ESAIC), giảm đau hiệu quả nhất khi được bắt đầu từ trong mổ và duy trì liên tục sau phẫu thuật. Cụ thể:
- Trong mổ: thuốc giảm đau hoặc gây tê vùng được áp dụng khi người bệnh còn đang gây mê, giúp “đón đầu” cơn đau.
- Ngay sau mổ (30 - 60 phút đầu): khi thuốc mê bắt đầu hết tác dụng, là thời điểm cơn đau có thể lên đỉnh điểm. Giảm đau kịp thời giúp chặn đứng vòng xoắn đau – stress – biến chứng.
- Từ 48 – 72 giờ sau phẫu thuật: là giai đoạn người bệnh đau nhiều nhất, cũng là thời điểm có nguy cơ biến chứng cao nhất. Các kỹ thuật như PCA, gây tê ngoài màng cứng, gây tê vùng sẽ được áp dụng xuyên suốt và linh hoạt tùy theo tình trạng.
Tạp chí Pain (Chou R. et al., 2016) khẳng định: “Việc trì hoãn điều trị đau sau mổ dù chỉ vài giờ có thể làm tăng nguy cơ đau mạn tính, rối loạn tâm lý và kéo dài thời gian hồi phục.”
Các phương pháp giảm đau hiện đại đang được áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc
1. Giảm đau do người bệnh tự điều khiển (PCA)
PCA (Patient Controlled Analgesia) là phương pháp cho phép người bệnh chủ động tự kiểm soát cơn đau của mình: thuốc chủ yếu là dòng Morphin kết hợp các thuốc khác được truyền tĩnh mạch liên tục. Liều bổ sung giảm đau được người bệnh tự điều khiển dưới sự hỗ trợ của máy PCA.
Phương pháp này đã được chứng minh hiệu quả trong kiểm soát đau sau phẫu thuật. Theo một phân tích tổng hợp trên tạp chí Anaesthesia (2011), PCA giúp giảm đau tốt hơn, tăng sự hài lòng của người bệnh và giúp họ chủ động hơn trong quá trình hồi phục.
2. Giảm đau ngoài màng cứng
Đây là một kỹ thuật cao được tiến hành bằng cách đưa thuốc tê, thuốc giảm đau vào khoang ngoài màng cứng tại cột sống người bệnh để ức chế dẫn truyền thần kinh ở một vùng nhất định do các rễ thần kinh chi phối. Kỹ thuật này được ứng dụng phổ biến nhất cho các ca mổ vùng bụng, ngực và chi dưới, tác dụng giảm đau liên tục nhờ catheter lưu tại khoang ngoài màng cứng.
Một nghiên cứu được công bố trên The Lancet (Block BM et al., 2003) cho thấy giảm đau ngoài màng cứng giảm tỷ lệ biến chứng tim mạch và hô hấp, đồng thời giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn sau mổ.
3. Gây tê vùng bằng kỹ thuật mới
Các kỹ thuật như TAP block, ESP block, QL block... được coi là xu hướng hiện đại trong kiểm soát đau vùng bụng, chậu, ngực sau phẫu thuật. Theo một đánh giá hệ thống trên British Journal of Anaesthesia (2018), các kỹ thuật gây tê vùng này giúp giảm nhu cầu dùng morphin, từ đó hạn chế tác dụng phụ và tăng khả năng phục hồi sớm.
Giảm đau sau mổ có gây tác dụng phụ không?
Một số tác dụng phụ nhẹ có thể gặp như buồn nôn, ngứa, đau đầu sau gây tê, nhưng thường không đáng kể và có thể kiểm soát dễ dàng bằng thuốc hoặc điều chỉnh liều. Hơn nữa, lợi ích mang lại vẫn vượt trội rõ rệt.
Theo một phân tích tổng hợp trên Cochrane Review, các kỹ thuật giảm đau vùng không làm tăng tỷ lệ biến chứng nghiêm trọng, mà giảm rõ rệt nhu cầu dùng thuốc giảm đau opioid (Abdallah & Brull, 2013).
Với đội ngũ bác sĩ chuyên ngành Gây mê hồi sức được đào tạo chính quy, bài bản và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn tại các bệnh viện đầu ngành trong nước như Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, … Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động cập nhật và ứng dụng thành công nhiều phương pháp giảm đau sau phẫu thuật tiên tiến. Từ năm 2022 đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công hơn 3000 ca kiểm soát đau sau mổ bằng các kỹ thuật hiện đại như: Giảm đau do người bệnh tự điều khiển (PCA), Giảm đau ngoài màng cứng; Các kỹ thuật gây tê vùng như TAP block, ESP block, QL block...
Theo khảo sát nội bộ năm 2023, tỷ lệ hài lòng từ người bệnh sau mổ đạt trên 95%, với thời gian phục hồi được rút ngắn rõ rệt, giảm đáng kể nhu cầu sử dụng opioid (một nhóm thuốc giảm đau mạnh).
BSCKII. Trần Văn Quang - Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: Tại khoa Gây mê Hồi sức, chúng tôi luôn chú trọng đến việc kiểm soát đau sau mổ như một phần thiết yếu trong chăm sóc toàn diện. Đội ngũ bác sĩ của khoa không ngừng cập nhật các phương pháp giảm đau tiên tiến, xây dựng phác đồ phù hợp với từng loại phẫu thuật và thể trạng người bệnh, đồng thời theo dõi sát sao trong suốt quá trình hậu phẫu để mang lại sự an toàn và thoải mái tối đa cho người bệnh.”
Thành Tuyên