Lác mắt (mắt lé) là tình trạng xảy ra khi mắt không thẳng hàng và chúng nhìn theo các hướng khác nhau: một mắt có thể nhìn thẳng về phía trước trong khi mắt kia nhìn vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống dưới. Sự không thẳng hàng có thể chuyển từ mắt này sang mắt kia.
*Cố vấn chuyên môn: ThS. Bs Trần Văn Hà – Trưởng khoa Mắt bán phần sau, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc
Lác mắt (mắt lé) là tình trạng xảy ra khi mắt không thẳng hàng và chúng nhìn theo các hướng khác nhau: một mắt có thể nhìn thẳng về phía trước trong khi mắt kia nhìn vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống dưới. Sự không thẳng hàng có thể chuyển từ mắt này sang mắt kia.
Bệnh thường gặp ở trẻ đặc biệt xuất hiện trong những năm đầu đời:
- Lác bẩm sinh: Xuất hiện ngay từ khi trẻ mới sinh hoặc trong vòng 6 tháng đầu đời.
- Lác do tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị): Thường phát triển trong giai đoạn từ 2 đến 7 tuổi, khi trẻ bắt đầu sử dụng mắt nhiều hơn để nhìn vật ở xa hoặc gần.
- Lác mắc phải ở người lớn: Có thể do chấn thương, bệnh lý thần kinh hoặc các nguyên nhân khác.
Phát hiện và điều trị sớm trước 6 tuổi là rất quan trọng, vì sau độ tuổi này, nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể bị nhược thị (mắt yếu vĩnh viễn) và ảnh hưởng đến thị lực suốt đời.
- Nguyên nhân bệnh lác mắt
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là trẻ bị cận thị, viễn thị hoặc loạn thị. Nếu thị lực của trẻ bị mờ do cận thị hoặc viễn thị, mắt trẻ sẽ phải điều chỉnh nhiều hơn để nhìn rõ, từ đó mắt có thể xuất hiện tình trạng lác.
Mặc dù vậy, khi những đứa trẻ này đeo kính để cải thiện thị lực của mình, sự mất liên kết giữa hai mắt của chúng cũng có thể được cải thiện.
Các nguyên nhân khác gây ra chứng lác mắt bao gồm:
- Trẻ sinh non
- Rối loạn thần kinh (liên quan đến sọ não)
- Hội chứng Down
- Bị đục thủy tinh thể hoặc chấn thương mắt cũng có thể gây ra chứng lác mắt.
- Di truyền: có thành viên trong gia đình bị lác mắt làm tăng nguy cơ lác mắt ở trẻ. Ở nhiều trẻ em, lác mắt có thể xảy ra mà không có nguyên nhân rõ ràng.
- Dấu hiệu của bệnh lác mắt ở trẻ
Bạn có thể nhận thấy mắt của con bạn nhìn theo nhiều hướng khác nhau cùng một lúc. Bạn cũng có thể nhận thấy con bạn nhắm một mắt, hoặc nghiêng đầu khi nhìn một vật. Đây có thể là cách con bạn khiến cả hai mắt hoạt động cùng nhau - một dấu hiệu của tật lác mắt.
Bác sĩ nhi khoa, y tá trường học hoặc giáo viên của con bạn cũng có thể nhận thấy những dấu hiệu này. Nếu bạn nghĩ con bạn có thể bị lác mắt, hãy đến gặp bác sĩ chuyên về bệnh mắt trẻ em để được kiểm tra mắt toàn diện.
- Các loại lác mắt
- Có ba loại lác mắt phổ biến.
- Lác trong là tình trạng một bên mắt lệch vào trong về phía mũi.
- Lệch ngoài là tình trạng một bên mắt lệch ra ngoài về phía tai.
- Lác đứng là tình trạng một mắt cao hơn mắt còn lại.
- Điều trị lác mắt
- Kính mắt
Đôi khi, lác mắt có thể được điều trị bằng kính. Nếu thị lực của trẻ bị mờ do cận thị hoặc viễn thị, trẻ có thể phải căng mắt hơn để nhìn rõ. Sự căng mắt này có thể khiến mắt bị lác. Kính có thể điều chỉnh lác mắt ở những trẻ này.
- Bịt mắt hoặc thuốc nhỏ mắt
Đôi khi bác sĩ có thể đề nghị dùng miếng che để bịt mắt hoặc thuốc nhỏ mắt để tăng cường sức mạnh cho mắt yếu hơn của trẻ. Điều này có thể giúp trẻ dễ dàng giữ thẳng mắt hơn. Tuy nhiên phần lớn trẻ cần phải phẫu thuật để làm thẳng mắt. Bác sĩ chuyên về bệnh lác sẽ giúp xác định phương pháp điều trị tốt nhất cho con bạn.
- Phẫu thuật lác mắt
Phẫu thuật thường được thực hiện để điều chỉnh sự thẳng hàng của mắt. Các bác sĩ chuyên về bệnh lác được đào tạo đặc biệt để thực hiện phẫu thuật này một cách an toàn và hiệu quả. Trẻ sẽ ngủ hoàn toàn dưới gây mê toàn thân trong khi phẫu thuật. Phẫu thuật được thực hiện trên một mắt hoặc cả hai mắt. Và một số trẻ có thể sẽ cần phẫu thuật tới lần thứ hai. Hãy nhớ rằng phẫu thuật lác mắt không thay thế được kính đeo mắt hay miếng che mắt. Sau phẫu thuật, hầu hết trẻ em có thể trở lại với thói quen hàng ngày trong khoảng 2 đến 3 ngày.
5. Những biến chứng khi lác mắt không được điều trị
- Nhược thị (Mắt lười): Khi một mắt bị lác, não có xu hướng bỏ qua hình ảnh từ mắt đó để tránh nhìn đôi, dẫn đến giảm thị lực vĩnh viễn ở mắt bị lác. Nếu không điều trị sớm, nhược thị có thể không hồi phục ngay cả khi đeo kính hoặc phẫu thuật.
- Giảm khả năng nhìn lập thể (nhìn 3D, đánh giá độ sâu): Hai mắt cần phối hợp tốt để tạo ra thị giác lập thể, giúp đánh giá khoảng cách và độ sâu của vật thể. Trẻ bị lác lâu ngày có thể mất khả năng này, gây khó khăn trong các hoạt động như lái xe, chơi thể thao hoặc làm việc yêu cầu độ chính xác cao.
- Ảnh hưởng đến tâm lý và thẩm mỹ: Trẻ bị lác có thể cảm thấy tự ti, ngại giao tiếp do ánh nhìn khác biệt. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội và tâm lý của trẻ.
- Mỏi mắt và đau đầu mãn tính: Trẻ có thể gặp khó khăn khi tập trung nhìn, dễ bị mỏi mắt, đau đầu hoặc căng thẳng thị giác khi đọc sách, viết bài hoặc nhìn lâu.
- Nguy cơ gặp khó khăn trong nghề nghiệp: Một số ngành nghề yêu cầu thị lực tốt ở cả hai mắt, như phi công, bác sĩ phẫu thuật hoặc kỹ thuật viên, có thể bị hạn chế đối với người mắc lác mắt không được điều trị.
Điều trị sớm bệnh lác mắt rất quan trọng để bảo vệ thị lực và giúp trẻ phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần. Để có những biện pháp điều trị bệnh lác mắt kịp thời, Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu lạ về mắt các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín, để thăm khám, theo dõi và có phác đồ điều trị phù hợp nhất với trẻ.
Tác giả: Trần Sang